“Trùm” dê ở Làng Chẵng

- Những con dê béo mập, be liên hồi khi thấy khách lạ. Cả khu chuồng trại rộng chừng 200 mét vuông được phân thành từng khu vực riêng biệt. Anh Hoàng Văn Nhất, thôn Làng Chẵng, xã Hùng Đức (Hàm Yên) - chủ đàn dê - cười bảo: Nghe tiếng be be nhiều thành quen, nhiều lúc hình dung như tiếng trẻ con đang nô đùa vậy!

Giàu nuôi chó, khó nuôi dê...

Anh Hoàng Văn Nhất chưa bao giờ nghĩ đến chuyện chăn nuôi. Thời trẻ, anh ngang dọc khắp các chợ, buôn đủ thứ hàng. Từ rau củ, đến gà vịt ngan ngỗng... Mỗi chợ phiên, anh tìm một thứ hàng thích hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân để lấy công làm lãi.

Hơn 7 năm trước, anh Nhất chuyển nghề buôn dê hơi. Hễ nghe khu vực nào chăn nuôi dê nhiều, anh lặn lội đến tận nơi, mua đi bán lại. Lâu dần, anh có khách quen là các nhà hàng ăn uống trong và ngoài huyện biết tiếng, đặt hàng dần.

Khi đã có một lượng khách hàng nhất định, cũng là lúc anh Nhất nhận ra những bất cập từ việc buôn hơi. Đó là nguồn cung không phải lúc nào cũng sẵn, thêm vào đó, chất lượng nguồn hàng nhiều khi không ổn định, khiến việc kinh doanh có lúc bị “hẫng”.

Đàn dê của gia đình anh Hoàng Văn Nhất, thôn Làng Chẵng, xã Hùng Đức (Hàm Yên).

Để chủ động nguồn hàng, anh Nhất quyết định chuyển từ nghề buôn hơi sang nghề chăn nuôi. Làng Chẵng có lợi thế là địa hình rộng rãi, khí hậu mát mẻ, khu nhà anh Nhất ở lại khá biệt lập, rất phù hợp với việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Anh Nhất dành toàn bộ phần đất phía sau nhà xây thành các khu chăn nuôi dê riêng biệt, từ khu vực chăn nuôi dê con, đến khu vực chăn nuôi dê thương phẩm với nền chuồng cao ráo, thoáng đãng. Anh bảo, kinh nghiệm nhiều năm đi khắp các bản làng, ngắm từng trang trại chăn nuôi của những người đi trước, anh hiểu rằng, muốn nuôi dê với số lượng lớn thì phải xây dựng chuồng trại đúng quy cách, tránh ô nhiễm môi trường do mùi hôi gây ra. Với con dê phải chú ý đến việc phòng bệnh, cho ăn đủ liều lượng và giai đoạn, đồng thời phải theo dõi thường xuyên để chủ động kịp thời khi dê bỏ ăn.

Sẵn diện tích đất vườn tạp rộng rãi, anh trồng 0,6 ha cỏ voi để đàn dê có nguồn thức ăn xanh liên tục. Có lẽ nhờ khí hậu, cộng với việc chăm sóc đầy đủ mà chất lượng thịt dê của anh Hoàng Văn Nhất được khách hàng gần xa biết tiếng. Chẳng thế mà việc tìm kiếm thị trường của anh Nhất đến giờ khá thuận lợi.

Thế nhưng, không phải lúc nào chuyện chăn nuôi cũng dễ dàng.

Có thời điểm, giá dê xuống thấp, hay có khi nhập phải đàn dê giống chưa được tiêm phòng đầy đủ, đàn dê chậm lớn, hay bệnh, người thân khuyên anh hay là bỏ chuồng, quay trở về với nghề buôn hoặc chuyển sang tìm nuôi con khác để đỡ gánh nặng kinh tế, nhưng anh Nhất không nghe. Anh bảo, đã chọn thì phải gắn bó, chăn nuôi thì phải chịu cảnh giá cả lên xuống thất thường. Nếu cứ chạy theo giá thị trường cây nào, con nào có giá là trồng là nuôi thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Chính vì vậy, thay vì bỏ để chuyển đổi sang con khác, anh Nhất chọn ở lại, học thêm cách chăm sóc đàn sao cho thật béo thật khỏe, với hy vọng, mình đã hết mình như thế, thì ngày hái “quả ngọt” sẽ không xa.

Liên kết xây dựng thương hiệu

Năm 2022, anh Hoàng Văn Nhất quyết định đứng ra thành lập Hợp tác xã chăn nuôi chế biến dê sạch Hùng Đức. 10 thành viên là những hộ chăn nuôi dê trong xã cùng góp vốn để chăn nuôi, số lượng đàn của cả hợp tác xã dao động trên dưới 600 con mỗi lứa. Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức Đặng Văn Giáp bảo, ở Hùng Đức, người dân vẫn gọi vui anh Nhất và những người chăn nuôi dê ở Hợp tác xã là “Trùm dê” là vì thế.

Cách làm của Hợp tác xã là cùng tìm nguồn con giống, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi, cùng tìm đầu ra cho sản phẩm.

Anh Nhất chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các thành viên trong Hợp tác xã.

Người xưa có câu, giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng. Với những thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi chế biến dê sạch Hùng Đức, quả không sai. Anh Đinh Lệnh Hậu, thôn Khánh Hùng cho biết, trước đây chăn nuôi nhỏ lẻ, mình hay rơi vào tình trạng khi thị trường cần nguồn cung lớn thì rất khó. Giờ có hợp tác xã, việc hỗ trợ, cùng nhau tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thuận tiện và dễ dàng hơn. Chuồng trại nhà anh duy trì hơn 100 con, cũng là một trong những thành viên có số lượng đàn đông sau Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Nhất. “Nhà nuôi được dê nên khi có công, có việc hay cần đóng tiền học cho con chỉ cần nhấc điện thoại gọi khách vào bắt là có tiền tươi ngay không phải chạy ngược xuôi như trước nữa” - Anh Hậu cười khoe với khách.

Chính sự đồng lòng, chủ động của các thành viên trong hợp tác xã đã mở đường cho dê sạch Hùng Đức lấn sân ra ngoài thị trường Hàm Yên, Tuyên Quang và vươn đến nhiều tỉnh, thành khác như Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Ninh Bình, mang về nguồn thu nhập đáng kể. Anh Hậu cười, đúng là chuyện gì khó đã có hợp tác xã, mình giờ chỉ yên tâm chăn nuôi và cùng các thành viên tiếp tục mở rộng nguồn cung cho sản phẩm thôi.

Anh Nhất khoe, hiện Hợp tác xã đang chuẩn bị các điều kiện để sản phẩm dê sạch Hùng Đức được gắn sao OCOP. Hy vọng, từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Hợp tác xã sẽ mở rộng thêm sản phẩm, khi không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường, mà sẽ là các sản phẩm chế biến sẵn, để thương hiệu Dê sạch Hùng Đức được nhiều người biết đến, tìm kiếm và sử dụng hơn.

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục